Các Bệnh Thường Gặp
5 Tác nhân chính và cách trị dứt điểm bệnh phân trắng cho tôm thẻ chân trắng
Khi nuôi tôm, điều làm người nuôi lo sợ nhất là việc xuất hiện quá nhiều triệu chứng mơ hồ khó phân biệt chính xác về một loại bệnh nào đó trên tôm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hướng điều trị dứt điểm căn bệnh, cải thiện tình trạng nuôi.
Hiện nay đang trong mùa mưa, tình hình thời tiết trong ngày càng thay đổi bất thường dẫn đến các yêu tố môi trường trong ao nuôi dễ bị biến động làm cho tôm nuôi dễ bị phát sinh các mầm bệnh mà trong đó điển hình là bệnh phân trắng trên tôm (White Feces Syndrome – WFD).
Bệnh phân trắng (White Feces Syndrome – WFD) đơn thuần không gây chết hàng loạt và không gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi mà nó chỉ làm tôm giảm ăn, bỏ ăn, chậm lớn, ốp thân… vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất tôm nuôi.
Mỗi khi đến mùa mưa, bệnh phân trắng tiếp tục xuất hiện trên các ao nuôi tôm bằng những yếu tố tác động từ môi trường và đặc biệt phải kể đó là sự xâm nhập của các loại vi khuẩn thuộc giống Vibrio spp. Ngoài ra, một số trường hợp bệnh phân trắng gây chết hàng loạt khi chuyển biến quá nặng từ bệnh từ phân trắng chuyển sang bệnh gan tuỵ.
1. Dấu hiệu lâm sàng của bệnh phân trắng
- Dấu hiệu đầu tiên nếu để lâu không điều trị có thể dẫn đến bệnh phân trắng như tôm bị ruột lỏng, ruột đứt khúc, cong thân, đường ruột ở đốt thân cuối của tôm (gần gai đuôi) bị đứt khúc và có màu trắng đục (người nuôi tôm thường gọi hạt gạo hay mủ đuôi).
- Bệnh phân trắng trở nên rõ ràng khi hệ thống tiêu hóa của tôm bị trục trặc và phân chuyển từ màu nâu sang màu trắng nhạt.
- Phân trắng hoặc vàng nâu dường như nổi nhiều hơn phân bình thường và nổi trên mặt nước và dồn vào góc ao hoặc cuối hướng gió. Gan tụy tôm trở nên trắng và mềm. Đồng thời, ruột và phân chuyển sang màu vàng hoặc trắng.
- Khi quan sát bằng mắt thường, dễ dàng nhận thấy những sợi phân trắng trong ao cũng là lúc tôm bắt đầu ăn ít hơn, màu sắc trên thân tôm dần chuyển sang màu sậm hơn, mang tôm dần chuyển sang màu tối.
- Tôm bị phân trắng có hiện tượng mềm võ và có thể dẫn đến lệch sizes.
- Tôm có hiện tường chết rải rác hàng ngày trong thời gian bị phân trắng.
2. Tác nhân gây bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng, Litopenaeus vannamei(Boone, 1931).
Đường ruột là một trong những bộ phận quan trọng nhất của tôm, cấu tạo đơn giản nhưng rất dễ mẫn cảm với mầm bệnh nguy hiểm, đặc biệt là hội chứng đường ruột cấp trên tôm, hội chưng phân trắng. Nó có thể được gây ra bởi sự kết hợp của vài nguyên nhân khác nhau như sau:
2.1. Thức ăn kém chất lượng: Thức ăn không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị mốc và chứa độc tố khi cho tôm ăn các loại thức ăn này sẽ bị bệnh đường ruột. Thức ăn cho ăn bị dính trên thành bạt, cầu nhá, máy quạt.. lâu ngày bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn rơi xuống tôm ăn dẫn đến bệnh lây lan.
2.2. Do tảo độc: Một số ao nuôi có sự phát triển các nhóm tảo lam với mật số cao hoặc các nhóm tảo độc khác như Pseudo-nitzschia spp ảnh hưởng đến tôm. Các loài tảo này có thể tiết ra độc tố trong môi trường ao nuôi hoặc khi tôm ăn phải các loại tảo độc sẽ làm rối loạn chức năng đường ruột dẫn đến tôm không tiêu hóa được thức ăn.
2.3. Nguồn tôm giống không đãm bảo chất lượng: Sử dung nguồn tôm giống yếu từ các cơ sở sản xuất tôm kém chất lượng và không có các chứng nhận an toàn dịch bệnh.
2.4. Nội ký sinh trùng Gregarines: Sự hiện diện của Protozoa Gregarines trong đường ruột tôm và hệ gan tuỵ có thể dẫn đến tình trạng tôm bị phân trắng. Khi ký sinh trong đường ruột tôm chúng gây tổn thương các biểu mô, tắc nghẽn ruột, tổn thương niêm mạc ruột do đó ruột tôm sẽ không hấp thu được chất dinh dưỡng. (Mastan, 2015).
2.5. Sự hiện diện của Vibrio spp với mật số cao. Điều kiện môi trường nước ao nuôi kém chất nước khi hàm lượng vật chất hữu cơ tích luỹ cao, thức ăn dử thừa nhiều không được phân huỷ sẽ tạo điều kiện tốt cho sự phát triển và tăng mật số của Vibrio spp.
Trong trường hợp này, bệnh phân trắng thường gặp ở giai đoạn tôm 50 đến 60 ngày tuổi trong cả môi trường ao nuôi nước lợ, nước mặn, đặc biệt tại độ mặn cao, nhiệt độ cao. Mastan (2015) ghi nhận mật số cao của một số loài Vibrio spp, bao gồm V. alginolyticus, V. fluvialis, V. mimicus, V. parahaemolyticus và Vibrio sp, đã được phân lập trực tiếp từ các mẫu tôm bị bệnh phân trắng thuộc nhiều trại nuôi tôm thương phẩm tại các tỉnh West Godavari, Prakasam và Nellore của Andhra Pradesh. Tưởng tự như vậy, tôm thẻ chân trắng bị bệnh phân trắng tại một số trại nuôi tại Thái Lan được xác định sự hiện diện của một số loài Vibrio spp (V. harveyi, V. alginolyticus, V. parahaeolyticus, V. anguillarum, V. fluvialis, V. mimicus, V. vulnificus, V. damselae, and V. cholera) và giống Propionigenium với mức độ cao (Prachumwat và ctv, 2021). Trong đó V. parahaemolyticus và V. alginolyticus chiếm ưu thế trong tất cả các ao nhiễm bệnh phân trắng (Tang và ctv, 2016).
Tại Việt Nam, khi nghiên cứu hệ vi khuẩn đường ruột của tôm thẻ chân trắng tôm khoẻ mạnh và tôm bị bệnh tại Sóc Trăng cho thấy Vibrio là chi được xếp vào nhóm tác nhân gây bệnh trên tôm đã được tìm thấy chủ yếu trong mẫu ruột tôm bị bệnh bao gồm bệnh phân trắng (Thanh và ctv, 2018).
Ngoài ra, Vi bào tử trùng microsporidian, Enterocytozoon hepatopenaei (viết tắt là EHP) cũng được xác định hiện diện tại mật số cao trong các mẫu tôm bị bệnh phân trắng tại các trại nuôi ở Indonesia (ICAR-Central Institute of Brackishwater Aquaculture, 2015; Tamilarasu và ctv, 2020).
3. Phương pháp phòng bệnh phân trắng trên tôm
- Chọn thức ăn chuyên dùng cho tôm, thức ăn có chất lượng, đầy đủ dưỡng chất và nên cho tôm ăn đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi với thức ăn phù hợp và không bị dư thừa. Chúng ta nên bảo quản tốt thức ăn, không nhiễm nấm mốc, độc tố.
- Tôm giống chất lượng và sạch bệnh: xét nghiệm PCR, test kiểm tra, sốc độ mặn, hóa chất, thuần hóa theo quy trình.
- Giảm mật độ nuôi cũng là hạn chế bệnh phân trắng.
- Siphon nếu có bùn tích lũy tại đáy ao. Vận hành máy quạt nước tăng oxy, tạo dòng chảy gom cặn và làm sạch đáy ao (không được xả nước ra ngoài mà xử lý ngâm Vime-Paracide hoặc chlorine (500 ppm) tại ao xử lý nước thải trong 24 giờ trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
- Duy trì chất lượng nước ổn định bằng cách kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, khí độc NH3, NO2 để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng định kỳ các dòng men vi sinh cấy vào ao nuôi với thành phần lợi khuẩn: Bacillus subtilis, Bacillus amyloliquefaciens, Saccharomyces cerevisiae,…khi bổ sung vi sinh vào trong nước giúp tăng cường mật độ vi sinh có lợi trong ao lấn ác, ứ chế các vi khuẩn Vibrio gây hại làm cho chúng không thể phát triển ở mức tối đa. Đồng thời giúp phân cắt protein, đạm thừa từ thức ăn, phân tôm, mùn bã hữu cơ, xác tảo làm môi trường nước ao được trong sạch, hạn chế sự phát sinh các khí độc H2S, NH3, NO2 giúp hạn chế sự phát triển Vibrio phát triển gây hại cho tôm. Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra khuẩn Vibrio trong mẫu nước ao nuôi bằng đĩa thạch để có biện pháp diệt khuẩn, hạn chế phát triển vượt mức tối đa.
- Bổ sung các sản phẩm có thành phần từ alcin (chiết xuất tỏi) và Glucan (Aspergilus oryzae) vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Bổ sung hệ vi khuẩn có lợi trong ruột tôm: Vi khuẩn Vibriogây bệnh cư trú bám trên thành ruột của tôm và lấy đi chất dinh dưỡng việc bổ sung men tiêu hóa vào thức ăn nhằm tăng cường lợi khuẩn trong đường tiêu hoá, lợi khuẩn này sẽ bám vào thành ruột cạnh tranh vị trí bám, cạnh tranh không gian sống.
- Quản lý các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn, độ trong…luôn nằm trong ngưỡng thích hợp. Khi trời mưa dầm, thời tiết lạnh nên cắt cử ăn hoặc giảm ăn 30 – 50% lượng thức ăn để tránh dư thừa thức ăn, dơ đáy ao, tăng cường chạy quạt đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trên 5mg/l. Định kỳ 2 lần/tuần kiểm tra và khống chế mật số vi khuẩn có hại (khuẩn Vibrio) trong ao nuôi trong khoảng 1,500 CFU/mL.
- Thường xuyên theo dõi biểu hiện bên ngoài của tôm như ruột lỏng, ruột đứt khúc, đuôi phân trắn để phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Định kỳ có thể sử dụng lá ổi non nấu lấy nước trộn tôm ăn hoặc cau ăn trầu/trái sapoche non (hồng xiêm) lấy ruột xay nhuyễn trộn cho tôm ăn với liều lượng 1 -2 quả/kg thức ăn.
- Khi phát hiện “hạt gạo” hay “mủ đuôi” ở đường ruột tôm ở đốt bụng cuối gần gai đuôi có thể sử dụng các sản phẩm trộn cho tôm ăn để trị ký sinh trùng đường ruột tôm như Hadaclean của công ty Bayer.
- Kiểm soát pH đường ruột ở tôm bằng các acid hữu cơ (ví dụ succinic acid).
- Diệt các vật chủ trung gian mang mầm như hai mãnh vỏ, ốc, giáp xác và nhuyễn thể tạp bệnh tại các ao lắng sẳn sàng giúp loại bỏ sự xâm nhập của chúng vào ao nuôi khi cấp nước.
4. Trị dứt điểm bệnh phân trắng trên tôm thẻ
Khi phát hiện sớm bệnh phân trắng với tỷ lệ bệnh thấp, bệnh nhẹ có thể tham khảo phương pháp kiểm soát như sau:
- Ngày 1: Ngừng cho ăn và diệt khuẩn môi trường nước liều cao.
- Ngày 2: Tiếp tục ngừng cho ăn 1 ngày.
- Ngày 3: Cho tôm ăn lại khoảng 30 – 40% lượng thức ăn hàng ngày liên tục trong khoảng 3 ngày đồng thời trộn thức ăn với các sản phẩm đặc trị phân trắng hoặc chế phẩm sinh học chứa các nhóm vi sinh có lợi hoặc các sản phẩm acid hữu cơ (ví dụ succinic acid) liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất.
- Ngày 4: cấy dòng vi sinh có lợi lại cho môi trường ao nuôi. Lưu ý: sau khi trộn cho tôm ăn 3 ngày nếu thấy tôm giảm bệnh thì tiếp tục dành ra 1 cử ăn 15% lượng thức ăn để trộn với thuốc, các cử còn lại trộn với men tiêu hóa dạng tốt.
Để kiểm soát mật số cao của tổng Vibrio spp trong môi trường ao nuôi có thể sử dụng sản phẩm Virkon từ Nhà sản xuất Bayer hoặc Sanocare®PUR, nhà sản xuất INVE (Thailand) LTD, nhập khẩu bởi Công ty TNHH INVE Việt Nam. Quy trình áp dụng theo hướng dẫn nhà sản xuất, có thể dùng 1 – 2 ppm, cần kiểm tra mật số tổng Vibrio spp trước và sau khi áp dụng cho đánh giá hiệu quả.
Lưu ý: Điều trị trong trường hợp bệnh nặng (xuất hiện nhiều sợi phân trắng, tôm giảm ăn nhiều và gan tụy xấu) trước tiên cũng cần phải cắt cử ăn, diệt khuẩn môi trường sau đó 2 – 3 ngày cấy vi sinh lại ao nuôi và trộn cho tôm ăn liên tục các loại kháng sinh nằm trong danh mục được phép lưu hành hiện nay như Oxytetracycline, Cotrim (Trimethoprim) với liều lượng 5 – 10gram/kg thức ăn. Sau 3 – 5 ngày điều trị nếu tôm có dấu hiệu phục hồi nên ngừng sử dụng kháng sinh và trộn chế phẩm vi sinh đường ruột với liều lượng gấp đôi vào thức ăn tôm để phục hồi hệ vi sinh đường ruột. Khi sử dụng kháng sinh thì ít nhất cần 3 tuần để tôm bài thải kháng sinh ra ngoài cơ thể.
*Trường hợp thu hoạch ngay để tránh thiệt hại thêm
Trong trường hợp ao nuôi có tỷ lệ mắc bệnh > 30%, ảnh hưởng đến gan tụy tôm, tôm giảm ăn, bỏ ăn nhiều, xuất hiên nhiều sợi phân trắng nổi trên mặt nước và chất lượng sợi phân kém (sợi phân nổi hẳn trên mặt nước). Nếu các dấu hiệu lâm sàng này được quan sát trong ao tôm đang trong giai đoạn có thể thu hoạch huề vốn, có lãi hoặc ít thiệt hại về kinh tế khi thu hoạch thì người nuôi nên xem xét đến phương thu hoạch.
Nếu Bà con mình cần tư vấn kỹ thuật, con giống VUS LEADER 21. Hãy liên hệ ngay đến Đại lý, Đại diện thương mại Việt Úc hoặc Hotline: 𝟎𝟗𝟎𝟑 𝟖𝟗 𝟐𝟒𝟔𝟖
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hội thảo online chủ đề Aquaculture On The Move, trình bày của Dr. A. Ravi Kumar.
ICAR-Central Institute of Brackishwater Aquaculture, 2015. Management of White Feces
Syndrome (WFS) In P. vannamei Farms
Mastan, S.A., 2015. Incidences Of White Feces Syndrome (WFS) In Farm-Reared Shrimp, Litopenaeus vannamei, Andhra Pradesh. Indo American journal of pharmaceutical research, 5(9), pp.3044-3047.
Prachumwat, A., Munkongwongsiri, N., Eamsaard, W., Flegel, T.W., Stentiford, G.D. and Sritunyalucksana, K., 2021. A Potential Prokaryotic And Microsporidian Pathobiome That May Cause Shrimp White Feces Syndrome (WFS). bioRxiv.
Tamilarasu, A., Nethaji, M., Bharathi, S., Lloyd Chrispin, C. and Somu Sunder Lingam, R., 2020. Review On The Emerging White Feces Syndrome In Shrimp Industry.
Tang, K.F., Han, J.E., Aranguren, L.F., White-Noble, B., Schmidt, M.M., Piamsomboon, P., Risdiana, E. and Hanggono, B., 2016. Dense Populations Of The Microsporidian Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) In Feces Of Penaeus Vannamei Exhibiting White Feces Syndrome And Pathways Of Their Transmission To Healthy Shrimp. Journal of invertebrate pathology, 140, pp.1-7.
Thanh, T.T., Bott, N., Oanh, D.T.H., Nam, N.T. and Ha, C.H., 2018. Comparison Of Bacterial Community Structures In Digestive Tract Between Healthy And Disease Whiteleg Shrimp (Litopenaeus vannamei) in Soc Trang, Vietnam. Vietnam Journal of Biotechnology, 16(3), pp.543-551.